Tu tỉnh
Ai là người trong chúng ta dám chắc rằng mình không có lầm lỗi trong cách cư xử ở đời? Đã biết những lỗi lầm của mình, ta phải tìm cách sửa đổi.
Ngày xưa Tăng Tử (1) mỗi ngày ba lần xét mình: vì người mưu giúp, có hết lòng chăng? Cùng bạn hữu giao du, có lòng tin thực chăng? Nghe lời thầy truyền giáo, có học tập được chăng? (2)
Chẳng thế mỗi ngày ba lần xét lại mình, ta cũng nên cố gắng mỗi ngày xét mình một lần, tĩnh tâm tự xét xem trong ngày, ta đã học được điều gì, nghĩ được điều gì hay, làm được điều gì phải, mắc phải điều lầm lỗi gì. Có năng kiểm điểm ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của mình, ta mới thấy rõ những sở trường (3) của ta để bồi dưỡng, những sở đoản (4) của ta để bổ khuyết.
Sửa mình tức là trừ bỏ những tính nết dở, tập giữ những tính nết hay, là trau giồi đức tính của mình, cho nên người có đức dục.
Muốn trau giồi đức tính, không những ta tự sửa mình, ta còn phải nhận xét tính nết ở người nữa: thấy người hiền, phải nghĩ sao cho bằng người; thấy người chẳng hiền, phải tự xét xem mình có điều chẳng hiền không (5).
Nếu ta quyết tâm sửa mình, ta phải tự xét mình một cách thành thực, giữ lòng mình cho ngay thẳng, thì nhất định tập được những tính hay và đổi được những thói dở. Sự tu thiện (6), nhiều nghị lực để sửa đổi. Với thiện chí và nghị lực, không những người ta trừ khử được nết xấu thường, mà còn có thể chữa hẳn được những cố tật (7) do nạn tứ đổ tưởng (8) gây ra, làm cho bao nhiêu kẻ khuynh gia, bại sản, (9) mang bệnh tật và mất cả nhân phẩm.
Ta lại phải nhớ rằng khi ta đã lập được một tính hay, một nết tốt, ta phải chăm chăm giữ chắc lấy mà khi ta quyết trừ bỏ một nết xấu, một thói hư, ta phải khăng khăng trừ tận gốc, cũng như nhổ cỏ phải nhỏ tận rễ vậy.
Chú thích:
(1) Tang Tử: tên Sâm, học trò của Khổng Tử, làm ra sách Đại học
(2) Dịch câu: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vị nhân mưu nhi bất trung hổ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ? Tăng Tử (Luận Ngữ, Th. Học Nhi, ch, 4)
(3) Sở trường: cái mà mình giỏi
(4) Sở đoản: cái mà mình kém
(5) Dịch câu: “Kiến hiền tư tề yên ; kiến bất hiền nhi nọi tự tỉnh giã.” Khổng Tử (Luận ngữ, Th. Lý Nhân, ch. 17)
(6) Phục thiện: chịu nghe điều phải
(7) Cố tật: bệnh lâu ngày
(8) Tứ đổ tường: (đổ: bức tường nhỏ) : bốn bức tường xây. Trích câu: Tửu, sắc, tài, khí, tứ đổ tường (Minh tâm bảo giám, Th, tỉnh tâm). Nghĩa là: Say rượu, ưu sắc đẹp, ham của, tức khí như bốn bức tường xây (nhốt người hiền kẻ ngu, không thoát ra được). Bây giờ người ta quen gọi tửu, sắc, đổ, yên (rượu chè, trai gái, cờ bạc, thuốc phiện) là tứ đổ tường.
(9) Khuynh gia bại sản: (nghiêng nhà, phá của): phá hết gia sản.
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang