Tự chủ
Một điều trái ý ta, một tin tức bất thần (1), lành hay dữ, một biến cố bất kỳ thường khi cảm xúc mạnh, hoặc làm cho ta nóng nảy, bực tức, buồn phiền, bối rối, lo sợ, hoặc làm cho ta mừng quýnh, vui cuồng.
Sự cảm xúc mạnh mẽ ấy khiến ta không tự chủ được: quá giận mất khôn, qua lo rối trí, mà quá mừng sinh ảo tưởng.
Có tự chủ, mới vận dụng được thời cơ, mới át được biến cố, không để cho nó át mình. Cho nên sự tự chủ dễ đem lại thành công cho ta ; sự thất bại không phải tại số mệnh, có khi do sự rủi ro, nhưng phần nhiều do sự không tự chủ.
Muốn tự chủ, phải có nhiều nghị lực. Khi có cảm giác mạnh mẽ xúc động tâm ta, ta phải hết sức bình tĩnh, không để cho nó trấn áp ta. Ta không nói gì vội, không làm gì vội, không quyết định gì vội, không để cho những cảm giác đầu tiên lấn át ta, vì những cảm xúc mạnh mẽ làm cho tâm trí ta mất thăng bằng, làm sai lạc tư tưởng, hành động của ta.
Trong lúc ta điềm tĩnh, ta định được trí, để suy nghĩ với tất cả lý trí của ta. Ta suy nghĩ để phân tích những lý do của những cảm xúc ấy, để trông rõ cái hiện trạng làm cho ta buồn phiền, bối rối, lo sợ hay vui mừng. Sự suy nghĩ sẽ giúp cho ta vượt được những bước khó khăn. giải quyết được những vấn đề phiền phức, tránh được những hành vi khinh suất.
Không những ta giữ được tâm trí ta điềm tĩnh để suy nghĩ cẩn thận, ta còn phải giữ cho diện mạo, cử chỉ của ta được thản nhiên, không lộ ra những cảm giác ra ngoài.
Sau hết, ta phải giữ cho tinh thần ta lành mạnh: phải kiểm điểm lại những ý kiến ở bên ngoài đưa lại, cũng như những tư tưởng xuất phát trong tâm ta, phải năng đọc những tác phẩm đề cao tinh thần tự chủ, tiểu sử của các bậc danh nhân đã nêu cao tấm gương tự chủ.
Chú thích:
(1) Bất thần: (thần: thời, lúc): không biết đích vào lúc nào.
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang