Trí – Nhân – Dũng
Trong cách xử kỷ, tiếp vật, cho ba đức tính rất cần thiết, ba đức tính dung hòa và bổ túc lẫn nhau ấy là: trí, nhân, dũng.
Có đức trí, ta mới biết mình, biết người, đứng trước những cơ hội khác nhau, ta mới biết suy xét, nhận chân hiện trạng, thấy rõ cách xử trí tùy theo từng trường hợp.
Có đức nhân, ta mới biết yêu thương, giúp đỡ người, gây những mối liên lạc tương thân tương ái, trương trợ tương phù.
Có đức dũng, ta mới quả quyết trong những hành vi của ta để sửa mình, giúp người, để quên mình vì công lợi, để hy sinh vì chính nghĩa.
Có trí mà không có nhân thì cư xử thiếu từ tâm, chỉ chủ lý trí mà mất tình cảm, không có dũng thì không có can đảm, nghị lực để thực hiện được những ý muốn, để đạt được mục đích.
Có nhân và vô trí, vô dũng, sinh ra ngu muội, nhu nhược. Có dũng mà vô trí, vô nhân, sinh ra hung hãn bạo ngược, như kẻ bạo hổ băng hà (1), không biết lo sợ dè dặt để tránh nguy hiểm, không biết mưu tính để được thành công.
Người cầm quân đánh giặc phải có mưu trí để biết thế giặc, biết lực mình, có lòng nhân từ đối với quân nhân của mình để ai nấy tận tâm tận lực, hoạn nạn có nhau, gian khổ cùng nhau để chống quân thù, có dũng cảm mới khắc phục được những nỗi gian nan để bảo toàn lãnh thổ.
Nhà cầm chính quyền phải có đức trí mới nhận rõ được dân tình để mưu đồ quốc kế, có đức nhân mới thi hành được nhân chính, có đức dũng mới quả quyết canh tân chế độ, cải thiện dân sinh.
Muốn kinh doanh về công nghiệp, muốn cạnh tranh trên thương trường, cũng phải có đủ trí, nhân, dũng mới thu được phần thắng lợi.
Muốn bồi dưỡng tinh thần, tràu giồi đức tính, ta phải tự rèn luyện lấy ba đức ấy, mới có thể trở nên người có trí minh mẫn, có lòng nhân từ, có tính dũng cảm.
Sách Trung dung có câu: “Kẻ ham học hỏi, gần với đức trí ; kẻ gắng sức làm điều phải, gần với đức nhân, kẻ biết xấu hổ gần với đức dũng” (2). Biết được ba điều ấy mà cố gắng luyện tập ba đức: trí, nhân, dũng, thì trong cách tu thân, xử thế, ta sẽ tránh được nhiều điều lầm lỗi: người trí chẳng mê hoặc, vì đã rõ sự lý ; người nhân không lo buồn, vì việc làm do lòng thương yêu mọi người và hợp với chính nghĩa ; người dũng không sợ hãi, vì có đủ nghị lực để đối phó với mọi cơ hội (3).
Chú thích:
(1) Bạo hổ băng hà: tay không mà bắt hổ, không thuyền bè mà lội qua sông ; ý nói dũng mà vô mưu. Xem câu: “Bạo hổ hằng hà, từ nhi vô hối giả, ngô bất dữ giã”. Khổng Tử. (Luận ngữ. Th. Thuật nhi, ch.10). (Kẻ tay không mà bắt hổ, chân không mà lội qua sông, đến chỗ chết mà không tiếc thân, ta chẳng để cho kẻ ấy theo giúp ta).
(2) Dịch câu: “Hiếu học cận hồ trí ; lực hành cận hồ nhân ; trí sỉ cận hồ dũng”. Khổng Tử. (Trung dung, ch. 20)
(3) Dẫn câu: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”. Khổng Tử (Luận ngữ, Th. Tử Hãn, ch. 27).
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang