tinh thần lễ nhạc. lễ nhạc là gì

Tinh thần lễ nhạc

Lễ nhạc rất quan hệ đến nền luân lý, phong tục, chính trị, vì lễ tượng trưng cho trật tự và nhạc tượng trưng cho điều hòa.

Lễ với nghĩa là một, có thể làm khuôn phép cho sự hành vi, tùy thời thay đổi cho thích hợp, không phải cố chấp theo tục lệ mãi.

Thường tính, người ta có thừa thì hay xa xỉ, không ngăn cấm thì hoang dâm, buông tha lòng dục thì phóng đãng. Nếu không có lễ để ràng buộc, để tiết chế thì trật tự không thể duy trì mà phong hóa dễ sinh ra đồi bại. “Sự giáo hóa của lễ rất mầu nhiệm, ngăn cản được điều tà ngay lúc chưa hiện hình, khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội mà mình không tự biết” (1).

Lễ phòng ngừa việc sắp có; pháp luật ngăn cấm việc đã có rồi. Lễ dạy người ta làm điều gì, tránh điều gì; pháp luật thì cấm làm những việc gì, hễ làm thì phạm tội. cho nên lễ nhằm mục đích giáo hóa và có ảnh hưởng tích cực về vấn đề luân lý, phong tục và chính trị vậy.

Nhạc do âm mà sinh ra. Lòng người xúc động vì ngoại vật mà phát ra âm thanh.

Âm nhạc với nhân tâm cảm hóa lẫn nhau: lòng người cảm xúc vì ngoại cảnh mà thành ra tiếng nhạc; tiếng nhạc cảm lòng người, khiến nhân tâm theo tiếng nhạc mà biến cải đi. Khi ngoại cảnh đau buồn thì nội cảnh (2) cũng thấy thương xót mà phát ra âm thanh não nùng; khi ngoại cảnh vui tươi, thì nội cảnh cũng thấy khoan khoái mà phát ra những âm thanh êm đềm. Cho nên âm thanh có khi du dương, có khi hùng tráng, có khi như oán như sầu, như hờn như tủi, cũng có khi phấn khởi lòng người, kêu gọi hồn nước.

Âm nhạc cảm mạnh lòng người cho nên có tác dụng di phong dịch tục (3) (dời đổi phong tục). Bởi vậy, thẩm nhạc mà biết được phong tục thuần mỹ hay đồi bại, chính trị tai hại hay tốt lành: “Âm thanh đời trị thì nghe yên vui: chính trị đời ấy điều hòa; âm thanh đời loạn nghe oán giận: chính trị đời ấy ngang trái; âm thanh vong quốc thì nghe bi thảm: dân nước ấy khốn khổ” (4).

Nói tóm lại, “nhạc xúc động ở trong, lễ xúc động ở ngoài. Cùng cực của nhạc là hòa, cùng cực của lễ là thuận” (5). Nhạc là điều hòa tính tình, lễ là thuận hợp nghĩa lý. Lễ và nhạc đều giữ một địa vị rất quan trọng trong phạm vi văn hóa, giáo dục và chính trị vậy.

Tuy nhiên, ta không nên cố chấp những nghi tiết phức tạp, những hình thức phiền văn, mà ta phải đặc biệt lưu tâm đến tinh thần của lễ nhạc, nghĩa là ta phải giữ cho lễ được thuần lý, giản dị mà trang nghiêm, cho nhạc được điều hòa, hùng hồn mà tao nhã.

Chú thích:

(1) Dịch câu: “Lễ chi giáo hóa giã vi, kỳ chỉ tà giã ư vị hình, sử nhân nhật tỉ thiện, viễn tội nhi bất tự tri giã”. (Lễ Ký: Kinh giải, th. 26)

(2) Nội cảnh: cảnh ở bên trong, ở trong lòng

(3) Di phong dịch tục: dời đổi phong tục.

(4) Dịch câu: “Trị thế tri âm an dĩ lạc, kỳ chính hòa; loạn thế chi âm oán dĩ nộ, kỳ chính quai; vong quốc chi âm ai dĩ tư, kỳ dân khốn”. (Nhạc ký Xem Lễ ký, th. 19).

(5) Dịch câu: “Nhạc giã giả, động ư nội giả giã; lễ giã giả, động ưu ngoại giả giã. Nhạc cực hòa, lễ cực thuận”. (Nhạc ký – đã dẫn ở trên).

Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang

Select the fields to be shown. Others will be hidden. Drag and drop to rearrange the order.
  • Image
  • SKU
  • Rating
  • Price
  • Stock
  • Availability
  • Add to cart
  • Description
  • Content
  • Weight
  • Dimensions
  • Additional information
  • Attributes
  • Custom attributes
  • Custom fields
Click outside to hide the comparison bar
So sánh