Tình bằng hữu
Người đời ai cũng phải có bạn, không ai không có bạn; bạn bè để học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ, che chở nhau. Không ai không biết những câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”- “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” – “Học thầy không tày học bạn”.
Sách nho có câu: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì khôn, gần người lành thì có đức, gần người ngu thì tối, gần người nịnh thì a dua, gần kẻ gian thì trộm cướp” (1).
Nhưng bạn hiền thì khó kiếm, cho nên phải chọn bạn mà chơi. Socrate nhà đại hiền triết Hy Lạp thủa xưa có xây cất một ngội nhà ở. Những người quen biết ông đến xem nhà đều tỏ ý chê những phòng nhỏ quá, không xứng đáng với một danh vọng như ông. Ông nói: “Tôi cầu trời cho cái nhà của tôi nhỏ như vậy mà chứa đầy những người bạn chân thành”. Nhắc lại lời nói của nhà hiền triết, La Fontaine kết luận bằng hai câu:
“Không có gì thường hơn tiếng ấy.
Không có gì hiếm hơn của ấy” (2).
Khổng Tử nói: “Có ba hạng bạn ích lợi và ba hạng bạn tổn hại: bạn ngay thẳng, bạn tín thực, bạn nghe nhiều học rộng là bạn ích lợi, bạn làm bộ tịch, bạn khéo chiều, bạn xảo nịnh là bạn tổn hại”. (3)
Đạo bằng hữu cốt ở đức: “chẳng nên cậy mình là hơn tuổi, là quyền quí, là có anh em phú quí mà giao du với bạn hữu. Giao du là giao du lấy cái đức, không nên có điều gì cậy mình vậy” (4).
Trong đạo giao du, trách nhiệm là việc khó. Nên “lấy điều ngay thẳng mà bảo, khéo tìm cách khuyên răn, không nghe thì thôi, đừng để tự mang tiếng nhục” (5).
Đạo giao du cốt ở thành tín, tận tâm. Có thành tín, tận tâm, mới giữ được nghĩa thủy chung.
Chuyện Dương Lễ đối với Lưu Bình là một tấm gương thủy chung trong tình bằng hữu. Cùng “bạn bút nghiên một sách một đèn, nhường cơm sẻ áo” (6) mà Dương Lễ thì làm nên danh sĩ, còn Lưu Bình vẫn kiếp hàn nho. Khi Lưu Bình đến thăng Dương Lễ, thì người bạn hiển đạt “sai quân hầu sỉ nhục nhuốc nha” (7), một mặt để cho bạn hàn vi phấn phát, một mặt cho vợ đi nuôi bạn thay mình, giúp bạn cho đến lúc thành danh. Bạn như thế mới là bạn tâm giao: giao du như thế mới là cái đức vậy.
Chú thích:
(1) Dịch đoạn: “Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc, cận hiền giả minh, cận tài giả trí, cận lương giả đức, cận nhu giả ám, cận nịnh giả siểm, cận thâu giả tặc”. Thái Công
(2) Dịch hai câu: “Rien n’est plus commun que ce nom. Rien n’est plus rare que la chose”. La Fontaine (Parole de Socrate – Livre IV. Fable (XVII).
(3) Dịch câu: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hỹ; hữu biền tịch, hữu thiện nhu, hữu biền nịnh, tổn hỹ”. (Luận ngữ, Th. Quí Thị, Ch. 4).
(4) Dịch đoạn: “Bất hiệp trưởng, bất hiệp quí, bất hiệp huynh đệ nhi hữu. Hữu giã giả, hữu kỳ đức giã, bất khả dĩ hữu hiệp giã”. Mạnh Tử, Th. Vặn chương hạ, ch. 3).
(5) Dịch câu: “Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ, vô tự nhục yên” Khổng Tử (Luận ngữ, Th. Nhan Uyên, ch. 22). Xem thêm câu: “Bằng hữu sác, tư sơ hỹ” Tử Du (Luận ngữ, Th. Lý nhân, ch. 25). Thấy bằng hữu chẳng sửa nết, mà cứ khuyên răn mãi, làm cho bạn buồn giận thì tình bạn bè phải sơ.
(6) (7) Trích ở bài phú Lưu Bình, Dương Lễ.
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang