Tiến thủ
Tuy đường xa, đi mãi phải tới đích ; núi tuy cao, lên mãi phải tới đỉnh.
Cứ từng bước, từng bước, người bộ hành dẻo chân đi mãi, tất tới nơi mình muốn đến. Trước khi khởi hành, nếu cứ nghĩ đến đường xa dặm thẳng, thì ngại ngùng e sợ, không dám ráng sức ra đi. Hoặc đã đi được một quãng, nhìn trước mặt, thấy đường dài thăm thẳm mà lấy làm chán ngán, tất nhiên đến nửa đường phải bỏ.
Kẻ đi học từ lúc vỡ lòng cho đến lúc tốt nghiệp, phải bao nhiêu công phu hằng ngày, hằng tháng, hằng năm ; nếu không hết sức tiến tới, tất phải bỏ dở việc học hành. Tiến thủ (1) chính là hết sức bước tới, hết sức tiến lên cho được.
Suy ra, muốn làm việc gì, cũng phải có chí tiến thủ mới thành công.
Người thợ phải hết sức làm việc tỉ mỉ, từng nhát búa, nhát đục, giọt sắt, đẽo gỗ mới thành khí cụ ; nhà kinh doanh phải trù tính từng kế hoạch để mưu lợi ; nhà khẩn hoang phải khai phá từng thước đất hoang thành ruộng ; nhà văn phải viết từng trang mới soạn thành quyển sách ; nhà bác học phải dò từng cuộc khảo cứu, từng cuộc thí nghiệm mới đi tới những phát minh kỳ diệu.
Trong cuộc tiến hóa của các dân tộc, ta thấy những quốc gia tiến bộ rất mau và rất mạnh trên thế giới, từ địa vị bán khai bước lên địa vị văn mình ngang hàng với các cường quốc, chính là vì những dân tộc tại các quốc gia ấy có chí tiến thủ rất mãnh liệt, có sức tranh đấu rất vững bền.
Các bạn thanh niên đang độ khí huyết cương cường, nhờ được tư chất thông minh và tài học lỗi lạc, sẵn đường tiến thủ để gây dựng tương lai của mình và đồng thời góp trí năng, góp tâm lực và công cuộc kiến thiết tổ quốc, mang lại hy vọng dồi dào cho tương lại của tổ quốc.
Chú thích:
(1) Tiến thủ: (tiến: bước tới ; thủ: lấy được) ; bước lên mà lấy cho được. danh từ này xuất xử ở câu: “Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi giã”, nghĩa là: người cuồng (người có chí cao thượng) có sức tiến thủ trên đường đạo lý ; người quyến (người giữ bền khí tiết) thì việc chẳng hợp nghĩa chẳng làm. (Luận ngữ, Thiên Tử Lộ, ch. 21).
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang