Hàm dưỡng
Hàm dưỡng (1) là chứa nuôi tính tình cho đời sống của tâm linh được yên tĩnh, thư thái.
Người xưa quan niệm sự hàm dưỡng là một cách nuôi cái tâm của mình để gây nên những tình cảm thuần hậu, tức là một cách bồi dưỡng tinh thần, di dưỡng tính tình (2)
Chính nhờ sự hàm dưỡng mà ta tự xét mình, để tảo trừ những khánh khí (3), những tính vị kỷ, ghen ghét, giận dữ, tham lam để nuôi lấy đức tính thuần hòa, liêm khiết, nhân nghĩa; do đó, tính tình trở nên cao thượng, trong cảnh nghèo, cũng vui với những điều đạo nghĩa, không oán trời, không trách người (4).
Ngoài thì giờ hoạt động để mưu toan sự nghiệp, ngoài vòng cương tỏa (5), sự di dưỡng tính tình thật là một cách án ủi và khuyến khích.
Cuộc sống càng tiến triển, người ta phải vật lộn, tranh đấu để mưu sinh; tuy nhiên, chúng ta cũng phải dành chút thì giờ để hàm dưỡng, để tĩnh tâm mà tự xét mình, để tồn dưỡng tâm tính, cho tâm trí có lúc được thư thái, để nâng cao tâm hồn, không để cho vật chất thu hút hết cả sinh lực của ta, như nhà thi hào đã viết: “cái hình hài làm thiệt cái thân chi!” (6).
Sự hàm dưỡng không làm giảm mất cái chí tiến thủ của ta, trái lại, có thể giúp ta trông rõ mục đích mình theo đuổi, hoạt động hăng hái để đạt được lý tưởng, không ra ngoài con đường đạo nghĩa. Nói một cách khác, chúng ta sẽ tìm thấy trong sự hàm dưỡng một sức mạnh khích thích ta tăng gia năng lực hoạt động và đồng thời trui rèn khí lực để nâng cao giá trị tinh thần của ta.
Chú thích:
(1) Hàm dưỡng: chứa và nuôi tính tình
(2) Di dưỡng tính tình: Nuôi nấng, bồi bổ tính tình cho yên vui, khoan khoái.
(3) Khách khí: tức khí trong chốc lát: khí kiêu, không thuần
(4) Dịch câu: “Bất oán thiên, bất vưu nhân”. Khổng tử (Luận ngữ, Th. Hiến vấn, ch. 37).
(5) Cương tỏa: (cương: dây buộc ngựa; tỏa: khóa mồm ngựa): những cái hãm buộc người ta. Danh cương, lợi tỏa: danh lợi hệ lụy người ta.
(6) Trích ở bài hát nói: “Thoát vòng danh lợi” của Nguyễn Công Trứ: ý nói: chớ nên ham danh lợi mà làm khổ tâm thân mình.
Trích sách: Trau giồi nhân cách ; Tác giả: Nguyễn Văn Đang